BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC:

 

 

QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

BHXH, BHYT, BHTN BẮT BUỘC

 

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG: là công dân Việt Nam

1. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT:

1.1. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

   1.2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc HĐLĐ, HĐLV không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động kể cả người lao động, xã viên, cán bộ quản lý làm việc và hưởng tiền công theo HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên trong các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.

Đối với trường hợp người lao động ký kết hợp đồng lao động với tổng thời hạn 12 tháng, nhưng trong đó có khoảng thời gian thử việc (từ 1 đến 2 tháng), thì đóng BHXH, BHYT kể từ thời điểm người lao động chấm dứt thời gian thử việc và bắt đầu làm việc chính thức theo hợp đồng lao động.

   1.3. Người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công thuộc các chức danh quy định tại khoản 13, Điều 4, Luật Doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công từ đủ 3 tháng trở lên.

1.4  Người đang hưởng lương hưu hằng tháng có giao kết HĐLĐ với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

 2. Đối tượng tham gia BHTN:

2.1. Người lao động tham gia BHTN làm việc theo HĐLĐ, HĐLV xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng; HĐLĐ, HĐLV không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, trừ những người là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.

2.2. Đơn vị tham gia BHTN cho người lao động là đơn vị có sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (số lượng kể cả cán bộ công chức đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước hoặc người lao động làm việc theo hợp đồng vụ mùa, công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên).

2.3. Thời điểm tính số lao động hằng năm để thực hiện chính sách BHTN là ngày 01 tháng 01 theo năm dương lịch; Trường hợp thời điểm khác trong năm đơn vị sử dụng đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN theo quy định thì thời điểm tính số lao động của năm đó để thực hiện chính sách BHTN được tính vào ngày mùng 01 của tháng tiếp theo; Trường hợp đơn vị đã sử dụng từ 10 người lao động trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN, nếu các tháng trong năm có sử dụng ít hơn 10 người lao động thì vẫn thực hiện đóng BHTN cho những người lao động đang đóng BHTN đến hết năm.

2.4 Công ty mẹ thuộc đối tương đóng BHTN mà có người lao động làm việc tại các chi nhánh (gồm cả trường hợp luân chuyển lao động) hoặc văn phòng đại diện có dưới 10 lao động thì những người lao dộng của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện vẫn phải đóng BHTN, nơi chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đang đóng BHXH, BHYT.

2.5 Người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết HĐLĐ, HĐLV từ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN.

 3. Đối tượng chỉ tham gia BHXH:

3.1. Phu nhân (phu quân) trong thời gian hưởng chế độ phu nhân (phu quân) tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc.

3.2. NLĐ đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bao gồm các loại hợp đồng sau:

3.2.1. Hợp đồng cá nhân, hợp đồng với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức thực tập, nâng cao tay nghề và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài;

3.2.2. Hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, công trình ở nước ngoài.

3.2.3. Hợp đồng cá nhân.

II. MỨC ĐÓNG:

Mức đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) được tính theo mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ, HĐLV và tỷ lệ đóng theo bảng tổng hợp dưới đây:

1. Đối tượng đồng thời tham gia BHXH, BHYT, BHTN (bảng 1).

 

Năm

Người sử dụng lao động (%)

Người lao động (%)

Tổng cộng (%)

BHXH

BHYT

BHTN

BHXH

BHYT

BHTN

Từ 01/2007

15

2

 

5

1

 

23

Từ 01/2009

15

2

1

5

1

1

25

Từ 01/2010 – 12/2011

16

3

1

6

1,5

1

28,5

Từ 01/2012 – 12/2013

17

3

1

7

1,5

1

30,5

Từ 01/2014 trở đi

18

3

1

8

1,5

1

32,5

 

2. Đối tượng chỉ tham gia BHXH:

2.1 Người lao động là phu nhân (phu quân) hưởng lương từ Ngân sách của Nhà nước (bảng 2).

 

Năm

Người sử dụng lao động (%)

Người lao động (%)

Tổng cộng (%)

Từ 01/2007

11

5

16

Từ 01/2010 – 12/2011

12

6

18

Từ 01/2012 – 12/2013

13

7

20

Từ 01/2014 trở đi

14

8

22

 

2.2. Người lao động là phu nhân (phu quân) không phải là cán bộ, công chức Nhà nước nhưng đã có quá trình tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (bảng 3).

 

Năm

Người lao động (%)

Ghi chú

Từ 01/2007

16

Tính theo mức tiền lương, tiền công tháng trước khi đi làm việc ở nước ngoài

Từ 01/2010 – 12/2011

18

Từ 01/2012 – 12/2013

20

Từ 01/2014 trở đi

22

 

Người sử dụng lao động thu tiền đóng của phu nhân (phu quân) hoặc người lao động để đóng cho cơ quan BHXH.

3. Tỷ lệ đóng BHYT sẽ được điều chỉnh khi Nhà nước có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng tối đa bằng 6%.

 III. CĂN CỨ ĐÓNG BHXH, BHYT, BHTN:

1. Người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương theo ngạch bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương, tiền công đóng BHXH, BHYT, BHTN được tính theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng.

Lưu ý:

- Trước 01/01/2007, tiền lương đóng BHXH bao gồm cả phụ cấp khu vực.

- Trước 01/07/2009, tiền lương đóng BHYT bao gồm cả phụ cấp khụ vực.

2. Người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động (gồm mức lương chính hoặc tiền công và các khoản phụ cấp được ghi tại khoản 1 Điều 3 trong bản hợp đồng lao động) nhưng phải phù hợp với thang, bảng lương do đơn vị xây dựng và đăng ký với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

2.1. Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và Kiểm soát viên là mức tiền lương do Điều lệ của công ty quy định nhưng phải đăng ký thang bảng lương với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương.

2.2. Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ trong hợp tác xã là mức tiền lương, tiền công được Đại hội xã viên thông qua và phải đăng ký thang bảng lương với cơ quan quản lý lao động địa phương.

2.3. Người lao động có tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng BHXH, BHYT được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi tiền lương, tiền công bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02/01 cho 6 tháng đầu năm và ngày 01/07 cho 6 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì được lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc các công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần nếu áp dụng thang, bảng lương do Nhà nước quy định thì thực hiện đầy đủ các quy định dưới đây:

- Phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động của địa phương nơi đóng trụ sở tại thời điểm chuyển đổi.

- Thực hiện chuyển xếp lương, nâng bậc hoặc chuyển  ngạch lương phải đúng theo quy định của Nhà nước đối với Công ty nhà nước trên cơ sở thang lương, bảng lương đang áp dụng;

- Đóng BHXH, BHYT, BHTN trên cơ sở mức lương  quy định trên.

- Đối với người quản lý doanh nghiệp thì tiền lương và phụ cấp chức vụ làm căn cứ đóng, hưởng chế độ BHXH được xác định theo hạng doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

4. Người lao động có mức tiền lương, tiền công cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

5. Người lao động ký HĐLĐ với nhiều đơn vị tại một thời điểm thì chỉ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN tại một nơi duy nhất (nơi có HĐLĐ dài nhất và mức lương cao nhất). Trong trường hợp đó thì NLĐ phải nộp “Giấy xác nhận đóng BHXH , BHYT 2 nơi” (theo mẫu) cho các đơn vị còn lại.

6. Mức tiền lương tối thiểu:

6.1. Mức tiền lương tối thiểu chung: áp dụng cho các đơn vị thực hiện chế độ tiền lương theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định.

6.2. Mức tiền lương tối thiểu vùng: áp dụng cho các đơn vị thực hiện chế độ tiền lương theo thang, bảng lương do người sử dụng lao động quy định.

- Hàng năm, căn cứ Nghị định ban hành của Chính phủ về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, các đơn vị sử dụng lao động rà soát lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã đăng ký với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội để điều chỉnh lại cho phù hợp theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới.

   - Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương , tiền công hợp đồng, làm căn cứ điều chỉnh lại mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương của đơn vị.

   Lưu ý:

+ Mức lương tối thiểu vùng chỉ dùng ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện bình thường ở các đơn vị sử dụng lao động. Đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả do đơn vị đào tạo nghề), mức lương hợp đồng thấp nhất cũng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

   + Văn bản điều chỉnh mức tiền lương, tiền công nói trên (bằng Quyết định hoặc Phụ lục hợp đồng…) là hồ sơ gốc làm căn cứ đối chiếu với mức đóng, mức hưởng BHXH, BHYT, BHTN của những người lao động thuộc diện điều chỉnh tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN.

   - Người lao động ký hợp đồng lao động tại văn phòng hoặc trụ sở chính đóng tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc ở các vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng lao động để điều chỉnh lại tiền lương, tiền công hợp đồng, làm căn cứ đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

 IV. PHƯƠNG THỨC ĐÓNG:

1. Nguyên tắc đóng BHXH, BHYT, BHTN:

1.1. Hàng tháng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, người sử dụng lao động phải chuyển nộp số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN (của đơn vị và của người lao động) vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

1.2. Hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động được giữ lại 2% quỹ tiền lương tiền công đóng BHXH để chi trả kịp thời 2 chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Quy định cụ thể như sau:

+ Trường hợp số chi BHXH cao hơn 2% giữ lại bao gồm cả tạm ứng (nếu có) thì cơ quan BHXH sẽ chuyển trả cho đơn vị trong 30 ngày đầu của quý sau.

+ Trường hợp số chi BHXH thấp hơn 2% giữ lại bao gồm cả tạm ứng (nếu có) hoặc không sử dụng đơn vị phải nộp số chênh lệch thừa về cơ quan BHXH trong 30 ngày đầu của quý sau. Quá thời hạn này, nếu không nộp, đơn vị phải chịu phạt chậm đóng theo quy định.

+ Trường hợp kinh phí 2% để lại không đủ chi, đơn vị gửi văn bản đề nghị cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí bổ sung để chi trả kịp thời cho người lao động.

2. Đơn vị là doanh nghiệp sản xuất (nuôi, cấy, trồng trọt...) thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện trả tiền lương, tiền công cho người lao động theo mùa vụ hoặc theo chu kỳ sản xuất thì đóng BHXH, BHYT theo chu kỳ nhưng phải đăng ký phương án sản xuất và phương thức trả lương với cơ quan BHXH để làm căn cứ thực hiện.

3. Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, cá nhân có thuê mướn trả công cho người lao động sử dụng dưới 10 lao động có thể đóng BHXH, BHYT theo quý nhưng phải đăng ký với cơ quan BHXH để thực hiện và đóng ngay tháng đầu quý.

4. Người lao động được tự đóng BHXH thông qua người sử dụng lao động:

4.1. Người lao động đã đủ tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH không quá 6 tháng, được tự đóng một lần thông qua người sử dụng lao động cho những tháng còn thiếu, mức đóng hàng tháng bằng tỷ lệ % (bảng 3) mức tiền lương, tiền công tháng trước khi nghỉ việc.

4.2. Người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà còn thiếu tối đa không quá 6 tháng (kể cả người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH) mà bị chết, nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hàng tháng thì thân nhân được tự đóng BHXH một lần thông qua người sử dụng lao động  cho số tháng còn thiếu. Mức đóng hàng tháng bằng bằng tỷ lệ % (bảng 3) mức tiền lương, tiền công tháng trước khi người lao động chết; trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH thì thân nhân đóng trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi cư trú theo mức lương đang bảo lưu để được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

5. Người lao động được tự đóng BHXH trực tiếp tại cơ quan BHXH quận, huyện nơi cư trú:

5.1 Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ trước ngày 01/01/2007, có đủ 10 năm đóng BHXH trở lên và còn thiếu tối đa 5 năm tuổi đời để đủ tuổi nghỉ hưu thì được tự đóng BHXH hàng tháng cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu, mức đóng hàng tháng từ ngày 01/01/2007 trở đi bằng tỷ lệ % (bảng 3) mức tiền lương, tiền công tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ. Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ sau ngày 01/01/2007 không được tự đóng tiếp, cơ quan BHXH thực hiện chốt sổ BHXH để bảo lưu thời gian tham gia đã đóng BHXH của người lao động theo quy định.

5.2 Người lao động quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 3 và Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ nghỉ việc trước  ngày 01/01/2007, mà có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên và còn thiếu tối đa 5 năm tuổi đời để đủ tuổi nghỉ hưu thì được tự đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng BHXH, mức đóng hàng tháng từ ngày 01/01/2007, trở đi bằng tỷ lệ % (bảng 3) mức tiền lương, tiền công tháng trước khi nghỉ việc.

6. Đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân… thuộc biên chế của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang được cử đi học tập, làm việc, thực tập sinh hoặc công tác có thời hạn ở nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc theo quy định. Căn cứ đóng BHXH, BHYT là mức tiền lương, tiền công của người lao động được hưởng trước khi đơn vị cử đi học tập, làm việc, thực tập sinh hoặc công tác ở nước ngoài.

7. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 Luật bảo hiểm y tế thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế.

8. Người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN đóng trụ sở chính ở địa bàn nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN tại địa bàn đó theo phân cấp của cơ quan BHXH. Trường hợp đơn vị không đủ tư cách pháp nhân, không có tài khoản, con dấu riêng thì đóng theo đơn vị quản lý cấp trên.

9. Người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, ghi rõ mã đơn vị tham gia BHXH, BHYT do cơ quan BHXH cấp ở phần nội dung chứng từ nộp tiền.

- Trường hợp đơn vị không ghi mã đơn vị hoặc ghi nhầm mã đơn vị, thì phải có văn bản đề nghị điều chỉnh kèm theo bản photocopy UNC gửi cơ quan BHXH.

- Đơn vị có nhiều mã đơn vị nếu nộp cùng 1 chứng từ thì phần nội dung chứng từ phải rõ số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho của từng mã đơn vị.

 V. TẠM DỪNG ĐÓNG BHXH:

1. Trường hợp tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đơn vị phải đảm bảo đủ những điều kiện quy định tại điểm 2, mục C, Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong thời gian tạm dừng đóng này đơn vị vẫn phải đóng đủ số tiền vào các quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ BHYT.

2. Các trường hợp Người lao động tạm nghỉ việc vì ốm đau, việc riêng… mà thời gian nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH của tháng đó nhưng phải đóng BHYT (nếu sử dụng thẻ BHYT). Thời gian này không được tính là thời gian đóng BHXH.

3. Người lao động nghỉ thai sản:

3.1. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH, thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng:

- Được tính là thời gian tham gia BHXH.

- Được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục để hưởng chế độ BHYT.

- Không tính là thời gian tham gia BHTN.

3.2. Thời gian nghỉ sinh con được quy định như sau:

+ Nếu NLĐ nghỉ sinh con vào trước ngày 15 trong tháng thì tháng đó được tính là tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản không đóng BHXH, BHYT, BHTN.

+ Nếu NLĐ nghỉ sinh con từ ngày 15 trong tháng trở đi thì tháng đó chưa tính là tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản và vẫn đóng BHXH, BHYT, BHTN bình thường.

3.3. Các trường hợp nghỉ sinh nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ không được tính là thời gian tham gia BHXH, BHYT.

3.4. Quản lý BHXH, BHYT người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:

- Khi người lao động nghỉ việc (để sinh con hoặc chờ sinh), đơn vị báo giảm lao động theo mẫu 03a-TBH, đồng thời vẫn bổ sung tăng hết giá trị thẻ còn lại.

Lưu ý: khi thẻ hết hạn, mà người lao động chưa hết thời gian nghỉ thai sản, đơn vị phải lập hồ sơ gian hạn thẻ kèm biểu 3a-TBH báo tăng BHYT theo giá trị thẻ của toàn bộ đơn vị.

- Khi người lao động đi làm việc trở lại và đã được thanh toán trợ cấp thai sản, đơn vị báo tăng lao động theo mẫu 03a-TBH, đồng thời điều chỉnh giảm giá trị thẻ còn lại. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ hồ sơ giải quyết trợ cấp để điều chỉnh giảm nghĩa vụ đóng BHYT thời gian nghỉ thai sản, đồng thời bổ sung dữ liệu về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản không phải đóng BHXH nhưng vẫn được tính là thời gian đóng BHXH tương ứng theo đúng quy định của Luật BHXH và Luật BHYT. Số tiền điều chỉnh giảm, sẽ được cơ quan BHXH in trong thông báo kết quả đóng BHYT, BHTN, BHXH của đơn vị vào tháng gần nhất.

- Nếu chưa được giải quyết trợ cấp thai sản, đơn vị báo tăng lao động đồng thời điều chỉnh giảm giá trị thẻ BHYT còn lại (không giảm giá trị thẻ BHYT thời gian nghỉ thai sản). Khi người lao động đã được giải quyết trợ cấp thai sản, đơn vị lập thủ tục điều chỉnh giảm giá trị thẻ BHYT trong thời gian nghỉ thai sản.

3.5. Lao động nữ nghỉ việc (chấm dứt hợp đồng lao động) trước thời điểm sinh con nếu đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì vẫn được hưởng chế độ thai sản. Nếu thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản mà hợp đồng lao động không còn hiệu lực thì không được tính là thời gian tham gia BHXH.

VD: Hợp đồng lao động của bà Bà Nguyễn Thị B hết hiệu lực tháng 10/2010, tháng 8/2010 Bà B nghỉ sinh (đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản). Thời điểm sinh con là tháng 9 năm 2010. Vậy, thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHXH là 2 tháng (tháng 9; tháng 10/2010).