THỦ TỤC GIAO DỊCH 1 CỬA

 

QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

- Từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động cơ quan, áp dụng có hiệu quả các phương thức quản lý hiện đại, văn minh; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và người lao động ngày càng cao, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực; xây dựng hình ảnh và uy tín của ngành BHXH  trên địa bàn TP.HCM.

2. Yêu cầu:

- Mọi giao dịch, giải quyết công việc của đối tượng tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế chỉ tiếp xúc, trao đổi thông qua đầu mối bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Hàng tuần các Trưởng phòng chức năng và Giám đốc BHXH các quận, huyện thuộc BHXH TP. HCM có trách nhiệm phân công cán bộ tổ chức buổi hướng dẫn tập trung về thủ tục, hồ sơ và nghiệp vụ có liên quan cho các đơn vị sử dụng lao động.

- Việc tiếp nhận, xử lý, hoàn trả kết quả hồ sơ trên cơ sở chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; Được thực hiện nhịp nhàng, liên thông giữa các phòng, các bộ phận, cá nhân có liên quan.

- Việc thực hiện quy trình phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; Kịp thời phát hiện những sai sót cần khắc phục sửa chữa.

- Công khai, minh bạch đầy đủ mọi quy trình, thủ tục và thời hạn giải quyết hồ sơ.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG.

1. Đối tượng áp dụng:

- Các loại hồ sơ thu và cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT bắt buộc, tự nguyện.

- Các loại hồ sơ liên quan tới điều chỉnh quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHYT

- Các loại hồ sơ liên quan đến điều chỉnh nhân thân của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc và tự nguyện.

- Các loại hồ sơ liên quan đến việc điều chỉnh và cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT bắt buộc và tự nguyện.

- Các loại hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc và tự nguyện.

- Các loại hồ sơ sao y…

- Hồ sơ thanh toán trực tiếp BHYT.

   2. Phạm vi áp dụng:

2.1. Các quy trình, bảng kê và phần mềm tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa được áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống BHXH TP.Hồ Chí Minh.

2.2. Đối với BHXH các quận, huyện chưa đủ điều kiện về trụ sở (kể cả BHXH huyện cần giờ) đều phải áp dụng thực hiện bảng kê và phần mềm tiếp nhận hồ sơ. Sau đó, BHXH quận, huyện nào được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng trụ sở mới thì phải áp dụng thực hiện cơ chế một cửa theo quy định chung.